Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Gái “Tây” kể chuyện thuê trọ, đi vận động cách ly ở ổ dịch bar Buddha, ngày nào cũng nhận tin nhắn: Lòng mẹ choáng váng lắm, về nhà đi con

[Nhật ký đi tình nguyện mùa Covid-19 của một "gà tây" đang tập làm "gà ta"]

24/03/2020

Sáng: Hôm nay mình cùng các bạn tình nguyện viên đã gặp nhau ở tòa nhà cách ly. Trong lúc chờ nhóm Y tế họp, tụi mình tranh thủ uống cà phê và làm quen. Tuy mặc quần áo bảo hộ y tế nóng và ngứa nhưng các bạn trẻ đều không ngại mà rất nhiệt tình. Mình thật sự rất tôn trọng và mến phục các bạn!

Chiều: Phụ huynh nhà mình lo lắng lắm khi biết công việc của mình tiếp xúc gần với những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng mình đã nhắn với mẹ: " Dạ! Con đồng ý thuê phòng trọ, ở xa gia đình 1 thời gian để tự cách ly nhưng con không từ bỏ việc tình nguyện đâu ạ. "Chống dịch như chống giặc" mà mẹ. Con cảm ơn và xin lỗi mẹ!".

Tối: Về tới nhà, mình liền chạy nhanh đi tắm để sát khuẩn. Vừa tắm xong thì ban chỉ đạo gọi mình đến Masteri Thảo Điền (Tp.HCM) gấp vì xe cấp cứu đã đến. Mình còn được dặn phải "lựa lời mà nói" với người nước ngoài nữa vì cần họ hợp tác và đi cách ly tập trung. Bây giờ mình đang vừa đi xe ôm vừa ghi nhật ký và vừa nghĩ cách vì việc này không dễ lắm đâu. Hy vọng họ sẽ không đòi táo New Zealand và nho Mỹ!

Uhmmm. Mà tí nữa xong việc đi về lại phải tắm khử khuẩn lần nữa nhỉ?

Gái “Tây” kể chuyện thuê trọ, đi vận động cách ly ở ổ dịch bar Buddha, ngày nào cũng nhận tin nhắn: Lòng mẹ choáng váng lắm, về nhà đi con - Ảnh 1.

Buddha Bar & Grill.

26/03/2020

Từ hôm qua đến nay, mình đi thuyết phục những người từng đến Buddha Bar sau ngày 14/03/2020 đi cách ly tập trung. Đây hiện đang là nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất, là ổ dịch của TP.HCM. Đa phần trong số họ đều là người nước ngoài, chỉ có rất ít người Việt Nam. Công việc của mình không đơn thuần chỉ kêu gọi sự hợp tác mà còn làm sao phá vỡ nỗi sợ hãi của họ với việc đi cách ly, với những người xung quanh đang bàn tán.

Đây thực sự là một nhiệm vụ khó bởi đ ược đi cách ly là tốt nhưng đâu đó trong mỗi người nước ngoài mình gặp, sự sợ hãi vẫn lấn át. Nó ngăn cản họ đồng ý bước lên chiếc xe cứu thương đang chờ dưới nhà cùng 2 anh mặc đồ bảo hộ y tế màu xanh. Thật ra mình đồng cảm với họ. Sau 11 năm sống một mình nơi xứ người, đôi khi chỉ cảm cúm thôi mình cũng hãi chứ đừng nói đến đại dịch như Covid-19. Bởi vậy mà mình lại càng kiên trì trấn an họ, cho dù rất tốn thời gian.

Để những người nước ngoài đồng ý đã khó, dắt họ lên xe trao cho nhân viên y tế lại càng khó hơn vì sự hiếu kì của người dân. Bởi việc này thường khiến cho Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog người đi cách ly cảm thấy bị cô lập, hoang mang. Mình cũng không muốn các anh chị bên y tế phải giải quyết vấn đề tâm lý của người cách ly nên cố gắng cân bằng giữa 2 bên. Và thật may là 2 hôm nay, sự nỗ lực của mình đã có kết quả: 100% số người mình gặp đã đồng ý đi cách ly tập trung để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

04/04/2020

Mấy hôm nay, mình không viết nhật kí. Bởi 1 tuần vừa qua là một "cuộc đua tốc độ" rất căng thẳng, rất quan trọng trong cuộc chiến ở ổ dịch bar Buddha. Và cuộc chiến ấy vẫn còn đang diễn ra.

Trong thời gian đó mình đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu người thuộc diện nghi nhiễm và người dương tính với SARS-CoV-2. Điểm chung của họ là đều nhìn khỏe mạnh giống như mình. Đó cũng là lý do khiến cho công việc của mình bị cản trở nhưng mình vẫn đi từ sáng đến tối, từ nhà này đến nhà khác. Đến mức bây giờ hỏi mình đã thuyết phục được bao nhiêu người đi cách ly, mình cũng đếm không xuể.

Những ngày gần đây, lúc nghe mọi người trong ban chỉ đạo thông báo: "Hôm nay có 1 ca dương tính mới ở bar Buddha, là ca mà em đưa đi đó!" mình vừa sợ vừa vui . Tại sao ư? Thêm một ca được mình phát hiện trước khi lây lan ra cộng đồng thì vui rồi nhưng lại lo sợ cho chính mình vì vừa tiếp xúc với họ xong. " Mình ơi nhớ lại xem, hôm đó mình mang khẩu trang gì? Mình có đứng xa đủ 2m không? Có lỡ chạm gì không? Mình rửa tay kĩ càng chưa? Phòng của họ có gió không?..." Và kết quả là mình không nhớ nên những câu hỏi cứ tiếp tục nhảy múa trong đầu mình.

Tuy nhiên được một lát mình lại tự trấn an "chống dịch như chống giặc", những suy nghĩ này cũng là giặc. Mình đã chấp nhận "cầm súng" thì phải cương quyết và cố gắng đến cùng. Kệ thằng Sợ!

Gà Tây ơi! Cố lên!

Việt Nam ơi! Cố lên!

Vậy là bạn đã vừa được đọc những dòng chia sẻ trong nhật ký mùa dịch Covid-19 của Nguyễn Ngọc Anh đến từ TP.HCM. Ngọc Anh không phải bác sĩ, y tá hay chiến sĩ cũng chẳng phải người đi cách ly, cô nàng đóng vai trò khá đặc biệt: tình nguyện viên tham gia thông dịch cho UBND phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM). Mà cho những ai chưa biết thì đây chính là vị trí của "ổ dịch" Buddha Bar & Grill.

Gái “Tây” kể chuyện thuê trọ, đi vận động cách ly ở ổ dịch bar Buddha, ngày nào cũng nhận tin nhắn: Lòng mẹ choáng váng lắm, về nhà đi con - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Anh.

Ngọc Anh mới về nước được khoảng 2 tháng, sau 11 năm đi du học và sinh sống ở nước ngoài. Cô nàng xuất phát từ Tây Ban Nha nhưng có qua Ý rồi mới về Việt Nam nên đã chủ động khai báo y tế online và cách ly tại nhà hơn 2 tuần mặc dù thời điểm Ngọc Anh về nước, ở Ý chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Hết thời gian tự cách ly, với khả năng thông thạo 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ả Rập) Ngọc Anh đã tình nguyện đăng kí làm thông dịch ngay vì muốn góp chút khả năng để chống giặc Covid-19 cùng mọi người.

Nhưng chẳng phải cứ muốn là dễ dàng được chấp nhận. Khi mới bắt đầu làm tình nguyện viên, Ngọc Anh vẫn mang những "hơi" Tây như mái tóc vàng, mũi xỏ khuyên, tay có hình xăm nên không ít người ngạc nhiên và ngần ngại giao việc cho cô.

Vẻ ngoài cá tính của Ngọc Anh từng khiến nhiều người nghi ngại.

"Mình hiểu trong môi trường như y tế hay UBND, ngoại hình và tác phong đi làm rất quan trọng nên mọi người có để ý một chút mình cũng không ngại. Trước ánh mắt nghi ngờ và tò mò, mình chỉ tập trung làm tròn trách nhiệm, kết quả công việc sẽ trả lời mình là ai. Và đến thời điểm này, mỗi khi mình lên nhận nhiệm vụ, các cô chú ai cũng vui vẻ và tin tưởng mình. Mọi người còn gọi mình là "Cô bé tóc vàng" nữa nên mình vui lắm.

Thế nên cho dù bạn là ai, làm gì, ngoại hình như thế nào không quan trọng. Quan trọng là bạn còn trẻ, bạn có năng lực và năng khiếu thì bạn đều có thể chung tay làm việc nhỏ để hoàn thành việc lớn là chống dịch Covid-19. Mình làm được, bạn cũng làm được!" - Ngọc Anh hào hứng.

Ngọc Anh và mọi người lúc đi làm nhiệm vụ.

Như chia sẻ trong nhật ký, nhiệm vụ mỗi ngày của Ngọc Anh là thuyết phục những người đã từng đến Buddha Bar & Grill sau ngày14/03/2020 đi cách ly tập trung. Đến đây thôi cũng hiểu công việc mà cô đảm nhiệm nguy hiểm cỡ nào, thế nên chuyện gia đình cô vô cùng lo lắng không có gì lạ.

Ban đầu mẹ Ngọc Anh hoàn toàn ủng hộ nhưng sau ngày đầu tiên, hiểu được nhiệm vụ của con gái, bà đã rất shock và liên tục nhắn tin. "Về nhà đi con! Lòng mẹ rất choáng váng và hoang mang..." trở thành tin nhắn quen thuộc với cô nàng. Những ngày đầu, mẹ cô thức cả đêm để chờ con gái vì Ngọc Anh đang cùng mọi người không quản ngày đêm tìm kiếm và đưa các trường hợp nghi nhiễm đi cách ly sớm nhất.

Gái “Tây” kể chuyện thuê trọ, đi vận động cách ly ở ổ dịch bar Buddha, ngày nào cũng nhận tin nhắn: Lòng mẹ choáng váng lắm, về nhà đi con - Ảnh 5.

Tin nhắn mà mẹ Ngọc Anh gửi cho con gái.

"Vài ngày sau đó, hiểu rõ hơn tính chất nguy hiểm của công việc đang làm, mình chủ động xin mẹ cho mình ở riêng, tự cách ly vì an toàn và sức khoẻ của cả gia đình. Hơn nữa, chỗ mình ở gần bar Buddha hơn, lúc nào ban chỉ đạo gọi đi khẩn cấp thì mình sẽ có mặt ngay" - cô nàng cho biết.

Quá trình làm một tình nguyện viên thông dịch, Ngọc Anh đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Cô nàng phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ít nhất 2m khi nói chuyện trong khi từ trước đến nay là một người quen nói nhỏ. Vậy là cô phải nói thật to mà một ngày gặp không biết bao nhiêu người nên có hôm về nhà giọng khản đặc. Hay việc đưa mọi người lên xe cũng đã là một sự vất vả. Hầu hết những người Ngọc Anh gặp đều là người nước ngoài, chân dài bước nhanh trong khi cô nàng lại tuýp chân ngắn nên phải chạy theo để hướng dẫn nhưng đồng thời vẫn cần giữ đúng khoảng cách an toàn.

Ngọc Anh và các bạn tình nguyện viên.

Ngoài ra Ngọc Anh còn gặp sự hiếu kì của hàng xóm những người đi cách ly tập trung nữa: "Hiếu kì người đi cách ly đã đành, họ còn tò mò luôn khi thấy một con bé trông "Tây Tây" đưa người ra xe cứu thương nhưng lại không lên xe. Có khi các cô, các chú hàng xóm đó tưởng mình là người đi cách ly ấy chứ! Lúc mới làm thì mình là "con gà ngơ" thế thôi còn bây giờ phản xạ nhanh như "con gà chọi" rồi" .

Về tương lai, Ngọc Anh cho biết mình vốn là một fashionista ở Tây Ban Nha và định về Việt Nam tiếp tục theo đuổi con đường Social Media nhưng hiện tại kế hoạch đã bị đóng... xi măng. Bởi vậy mà cô nàng v ẫn sẽ tiếp tục làm tình nguyện để chiến đấu với dịch Covid-19. T hậm chí Ngọc Anh còn đăng kí tham gia các nhiệm vụ khác và rủ rê bác mình cùng giúp sức để chống dịch Covid-19.

Với những "chiến sĩ" thầm lặng, dũng cảm và đáng yêu như Ngọc Anh, chắc chắn Việt Nam sẽ sớm chiến thắng đại dịch thôi!

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét